Dạy thể dục đã nhiều năm, dù không có sách giáo khoa nhưng thầy Hoàng Ngọc Nghĩa vẫn đảm bảo cho học sinh hiểu và thực hành tốt được môn Thể dục này. Cũng chính vì thế mà việc sắp tới có sách giáo khoa với bản thân anh cho rằng điều này là không cần thiết
Có ý kiến cho rằng, việc thêm 1 cuốn sách giáo khoa thể dục cho học sinh cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực sự coi trọng môn học này. Tuy nhiên, cái thiếu nhất của bộ môn giáo dục thể chất hiện nay không phải là sách giáo khoa, mà là cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ việc dạy và học bộ môn rất đặc thù này. Đa số trường học chưa có các nhà tập đa năng đạt chuẩn, việc tiếp cận với những môn thể thao như bơi lội tại các vùng nông thôn còn hạn chế.
Bên cạnh những hạn chế về cơ sở vật chất, tâm lý coi nhẹ môn học giáo dục thể chất trong phụ huynh và học sinh đang là một nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn học này. Điều này cũng không thể thay đổi chỉ với việc in thêm một cuốn sách giáo khoa.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học. Theo chuyên gia, với việc thể chất của người Việt khá kém so với nhiều nước trong khu vực, việc lấy lại công bằng cho môn thể dục là cần thiết.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là cuốn sách giáo khoa được viết ra nhưng nếu không thực sự thiết thực, không được sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho xã hội. Và trên thực tế, không chỉ ở Việt nam mà ở đa số các nước trên thế giới, môn học này từ trước đến nay thường không có sách giáo khoa mà chỉ có tài liệu hướng dẫn cho giáo viên.