Gian hàng đồ cổ của anh Đào Văn Hòa được bày bán trong chợ phiên dấu xưa. Ngay từ khi mới bắt đầu mở cửa, gian hàng của anh đã thu hút được rất nhiều du khách đến mua bán cũng như tham quan thưởng thức các hiện vật đồ cũ
Anh Đào Văn Hòa, người bán đồ cổ cho biết: Chợ phiên nói chung là rất vui. Chúng tôi đến đây không phải để kinh doanh mà xuất phát từ đam mê đồ cổ thôi. Chúng tôi tìm thấy nét văn hóa xưa trong các hiện vật và hiểu thêm cuộc sống cha ông ta xưa.
Có thể nói đây là lần đầu tiên, giới yêu cổ vật có một phiên chợ riêng của mình nên cả người bán và người mua đều háo hức. Không khí bán mua , trao đổi hàng hóa luôn sôi nổi nhộn nhịp. Không chỉ có các gian hàng của các chủ đồ cổ ở Hà Nội, mà có cả các gian hàng ở nhiều nơi khác và người mua cũng đến từ nhiều tỉnh, thành lân cận.
Anh Nguyễn Văn Thái, người bán đồ cổ cũng cho biết: anh vì yêu văn hóa xưa nên chúng tôi lặn lội đi tìm, sưu tầm cổ vật. Giá trị văn hóa qua các sản phẩm này là rất lớn.
Chợ phiên dấu xưa hiện có hơn 40 gian hàng, được thiết kế theo mô hình chợ quê cổ truyền với những hình ảnh gợi lại không gian văn hóa truyền thống như: Cầu đá, cây đa, đình làng…
Những mặt hàng được trao đổi, mua bán thật đa dạng phong phú như đồ giả cổ, đồ thủ công mỹ nghệ , đồ gỗ, đồ gốm sứ được tuyển chọn từ các làng nghề. Và tất cả chúng đều có những giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ.
Anh Phạm Văn Cường, một người mua hàng cho hay: Chúng tôi đến xem, mục đích là vừa mua hàng, vừa học hỏi, tìm hiểu thêm nét văn hóa xưa.
Thiết nghĩ , những mô hình chợ phiên dấu xưa cần được ngành văn hóa quan tâm nhiều hơn, để những giá trị văn hóa xưa được mọi người thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng giữ gìn.