Thông báo mới đây của Hiệp hội các nhà bán lẻ toàn quốc cho thấy, người nước ngoài và những người mới nhập cư vào Mỹ đã chi tổng cộng 153 tỷ USD để mua bất động sản tại Mỹ trong tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, tăng gần 5% so với tài khóa trước, và phá kỷ lục gần 104 tỷ USD hồi năm 2015.
Mức tăng mạnh này gây bất ngờ, trong bối cảnh giới phân tích từng dự đoán 1 loạt yếu tố như đồng USD mạnh, bầu không khí chính trị tại Washington khá căng thẳng, và việc Bắc Kinh áp đặt hạn chế đối với những người dân muốn đem tiền ra khỏi nước này để mua nhà tại Mỹ - kết hợp lại sẽ làm sụt giảm nhu cầu mua nhà ở Mỹ.
Khách hàng Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách các nhà đầu tư bất động sản Mỹ, với số vụ mua bán trị giá 31,7 tỷ USD trong tài khóa vừa kết thúc, tiếp theo là người Canada, Anh, Mexico và Ấn Độ. Đa số người mua nhà đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico gần đây đã chuyển tới Mỹ sinh sống, trong khi người Canada và người Anh chủ yếu mua căn nhà thứ 2.
Kiều dân Hà Lan không được giữ 2 quốc tịch nếu lựa chọn ở lại Anh
Liên quan đến vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Mắc Rút) mới đây nhấn mạnh, kiều dân nước này lựa chọn quốc tịch Anh, nhằm tránh khả năng phải rời Anh sau khi xứ sương mù tách khỏi EU, sẽ phải từ bỏ hộ chiếu Hà Lan.
Theo ông Mark Rutte, việc hạn chế tối đa người Hà Lan giữ đồng thời 2 quốc tịch là quy định nằm trong chính sách của chính phủ nước này, và sẽ không được thay đổi vì bất kỳ lý do gì. Tuyên bố được đưa ra sau khi có khoảng 22.000 người ký đơn kêu gọi chính phủ xem xét lại chính sách trên.
Hiện có khoảng 100.000 kiều dân Hà Lan đang sinh sống ở Anh, đang phải đối mặt với tương lai bất ổn sau tháng 3/2019, thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU. Trong khi đó, tại cuộc đàm phán thứ 2 về Brexit đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, các bên vẫn chưa giải quyết được bất đồng về quan điểm trong vấn đề quyền công dân./.