Mặc dù được bao quanh bởi các nước EU, nhưng Thụy Sĩ không phải là thành viên của khối này. Tuy nhiên, trước đây Chính phủ Thụy Sĩ đã đàm phán một loạt hiệp ước song phương với EU, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận trực tiếp với thị trường châu Âu.
Nếu đề xuất trên được thông qua, các vấn đề liên quan đến Hiệp định Di chuyển thể nhân tự do sẽ tự động ngừng hiệu lực. Ngoài ra, Thụy Sĩ sẽ bị cấm “thực hiện bất kỳ nghĩa vụ quốc tế mới nào cho phép công dân nước ngoài tự do đi lại”.
Bên cạnh Hiệp định Di chuyển thể nhân tự do, còn có các hiệp ước khác đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước này.
Cuộc trưng cầu dân ý này là kết quả của một chiến dịch tương tự như chiến dịch Brexit ở Anh trước đây. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, cuộc trưng cầu ý dân sẽ có kết quả là Thụy Sĩ vẫn ở lại Liên minh tự do đi lại với EU trong bối cảnh nước này cần sự ổn định trong đại dịch COVID-19.
EC muốn đẩy nhanh trục xuất người nhập cư trái phép
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất siết chặt kiểm soát biên giới và cải thiện các thủ tục để đẩy nhanh trục xuất người nhập cư trái phép.
Trong kế hoạch cải cách di cư mang tên "Hiệp ước mới về di cư và cư trú" được mong đợi khá lâu, EC đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nếu không tự nguyện đón nhận thêm người di cư có thể hỗ trợ tiền để đưa họ về nước. Biện pháp này được cho là giúp giảm sức ép cho Italia và Hy Lạp - hai "cửa ngõ" chính mà người di cư từ châu Phi tìm cách vào châu Âu.
Cũng theo đề xuất trên, một "cơ chế đoàn kết bắt buộc" có thể được kích hoạt. Khi đó, tất cả các nước còn lại phải đóng góp tài chính để hỗ trợ việc trục xuất tùy theo khả năng kinh tế và quy mô dân số từng nước.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã khiến các nhà hoạt động vì quyền của người di cư, cũng như các tổ chức tị nạn thất vọng. Bên cạnh đó, nhiều khả năng kế hoạch này sẽ phải đối mặt với sự phản đối của nhiều nước thành viên vốn không chấp nhận người tị nạn trên lãnh thổ nước mình.