Trong cuộc họp báo mới nhất, bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, yếu tố góp phần làm gia tăng ca nhiễm toàn cầu là Omicron, loại biến thể của virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền nhất cho đến nay và dòng phụ BA.2 của Omicron.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc thế giới có nhanh chóng đạt được hay không mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số ở các quốc gia.
Châu Âu cũng đang lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ sáu sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng quá sớm. Nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh. Ca nhiễm ở châu Âu gia tăng một tháng sau khi nhiều nước hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc, nước đang theo đuổi chính sách “không Covid”, dịch bệnh cũng đang diễn biến tương đối phức tạp. Một số nước khác như Hàn Quốc và Australia hiện cũng đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng, với số ca mắc mới tăng mạnh, gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế.
Người tiêm mũi vaccine thứ ba ít bị nặng khi nhiễm biến thể Omicron 2
Giới chức y tế Italia vừa qua cho biết, biến thể mới Omicron 2 “dễ lây hơn biến thể Omicron tới 30%, ngang mức lây lan của bệnh sởi và thủy đậu, song những người đã tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ ít nguy cơ bị nặng"
Kết luận trên được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu IRCSS Galeazzi tại thành phố Milan, Italia. Theo đó, những người đã mắc COVID-19 trong đợt dịch tháng 12/2021 hiện có thể tái nhiễm bệnh, với tỷ lệ lên tới 10%. Tuy nhiên cơ quan này đánh giá biến thể Omicron 2 là một biến thể virus lành tính hơn.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy, ngày 21/3, nước này ghi nhận thêm 32.500 ca mắc COVID-19 mới, trong khi số ca tử vong tăng từ 93 lên 119 người.