Thứ Sáu, 29/03/2024 22:47 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Những bộ tộc Amazon sử dụng công nghệ bảo vệ lãnh thổ

(ANTV) - Trước nguy cơ bị xâm lấn lãnh thổ từ các tập đoàn khai khoáng quốc tế, sự tràn lan của nạn phá rừng, khai thác gỗ lậu, những bộ tộc thiểu số cổ xưa sinh sống giữa rừng rậm Amazon đang ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ để chống lại sự hủy diệt, bảo vệ mảnh đất quê hương. Có điều, thay vì dùng cung tên, giáo mác như trước đây, họ đã biết tận dụng những công nghệ và thiết bị điện tử hiện đại như Internet, điện thoại, camera, máy định vị GPS.

Khu vực rộng hơn 2.400 km2 thuộc rừng rậm Amazon là nơi sinh sống của khoảng 300 cư dân bộ tộc Surui – 1 trong hàng nghìn nhóm cư dân bản địa ở Brazil. Dù vẫn lưu giữ được dáng vẻ hoang sơ, nhưng tình trạng khai thác gỗ lậu tràn lan đã khiến diện tích rừng dần thu hẹp. Qua thời gian, người Surui hiểu rằng cần theo đuổi những tiến bộ hiện đại để bảo tồn được truyền thống, và đây là cách duy nhất để họ bảo vệ được rừng, bảo vệ môi trường sống và nền văn hóa của bộ tộc.

Bên cạnh việc vận động cư dân trồng rừng, năm 2007, tộc trưởng Almir Narayagoma liên hệ được với Google, và trung tâm dữ liệu lớn nhất hành tinh này đã nhanh chóng gửi đội ngũ đến hỗ trợ. Vài tháng sau, người Surui bắt đầu làm quen với máy tính, điện thoại, camera. Họ xây dựng trang web mang thông điệp bảo vệ rừng, đăng tải các hình ảnh, video giới thiệu thiên nhiên, con người, truyền thống bản địa lên Google Earth và Youtube. Tất cả với hy vọng “số hóa” mảnh đất quê hương.

Người Surui bắt đầu làm quen với máy tính, điện thoại, camera

Ông Almir Narayamoga Surui, Tộc trưởng bộ tộc Surui cho biết: "Chúng tôi sử dụng bản đồ, GPS, kể cả Youtube cùng nhiều công cụ kỹ thuật số khác để mọi người hiểu biết thêm về bộ tộc Surui."

Em Walela Soepileman, 14 tuổi, người dân bộ tộc Surui cho biết: "Những công nghệ này thực sự có thể giúp bảo tồn văn hóa của bộ tộc. Bởi khi lớp cha ông mất đi, họ vẫn có thể để lại cho chúng em những hiểu biết về vùng đất này."

Thay vì dùng mũi tên, cung nỏ, từ căn lều lợp lá cọ giữa rừng, tộc trưởng Almir ngồi trước màn hình laptop quét những bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao, phát hiện hoạt động trái phép trong rừng. Cư dân trong bộ tộc sau đó sẽ dựa theo tọa độ GPS đến khu vực trên bản đồ, xác định dấu vết những kẻ trộm gỗ, giúp nhà chức trách dễ dàng truy đuổi.

Người dân bộ tộc Surui chia sẻ: "Chúng tôi nhập định vị GPS và chụp ảnh lại làm bằng chứng. Tất cả dữ liệu sẽ lập tức được gửi đến cho cơ quan chức năng giải quyết."

Cũng sinh sống trong khu vực rừng rậm nhiệt đới Amazon, bộ tộc Waorani ở Ecuador lại phải đối mặt với 1 vấn đề khác. Vùng đất mà cha ông họ để lại, mà chính quyền gọi là Khu 22, đang bị đe dọa trở thành món hàng bán đấu giá cho các công ty khai thác dầu.

Ông Cesar Nihue, cư dân bộ tộc Waorani cho biết: "Họ khoan rất nhiều giếng dầu, khiến nhiều loài động vật chết (vì ô nhiễm): heo vòi, chim chóc, rùa… Rồi sau đó họ nói chất lượng dầu không tốt và bỏ đi. Giờ họ lại nói rằng họ sẽ tiếp tục khoan dầu. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy đến nữa."

Để sống sót và bảo vệ mảnh đất quê hương, người Waorani đã tìm đến sự trợ giúp của công nghệ. Họ sử dụng các thiết bị bay không người lái, định vị GPS, camera quay đêm… nhằm ghi lại những hình ảnh, hiểu biết chi tiết nhất, 1 tấm bản đồ sống động về thiên nhiên, động vật, cây cối và cuộc sống của người dân.

Mỗi thành viên trong cộng đồng, từ người già đến trẻ nhỏ đều đóng góp tích cực vào quá trình này. Họ cũng kỳ vọng, tấm bản đồ sẽ cho giới chức thấy rõ tác động tiêu cực từ những đường ống dẫn dầu đến môi trường tự nhiên, từ đó có biện pháp bảo vệ rừng.

Mỗi thành viên trong cộng đồng, từ người già đến trẻ nhỏ đều đóng góp tích cựcvào quá trình này

Ông Gregor Maclennan, Giám đốc chương trình - Tổ chức phi chính phủ Digital Democracy cho biết: "Điểm khác biệt mà công nghệ đem lại là ở chỗ, thường thì những việc như vẽ bản đồ sẽ chỉ do chính phủ hay các công ty đảm nhiệm, nhưng giờ đã có các thiết bị định vị GPS với giá chỉ 75USD. Và chúng ngày càng dễ dàng để sử dụng."

Anh Oswando Nenquimo, cư dân bộ tộc Waorani chia sẻ: "Những chấm màu xanh là các giếng dầu, đang đe dọa vùng lãnh thổ của chúng ta. Trong những năm qua, 1470 giếng dầu đã bị khai thác trong khu vực. Trước kia chúng ta phải chiến đấu, chém giết bằng khiên, bằng giáo mác. Giờ đây mọi thứ đã khác, trí tuệ của tổ tiên được chuyển hóa thành công nghệ. Bản đồ này là công cụ quan trọng để chúng ta bảo vệ đất đai, gìn giữ quê hương mình."

Cuộc chiến chống nạn phá rừng, bảo vệ lãnh thổ và bản sắc dân tộc chắc chắn sẽ là cuộc chiến trường kỳ kéo dài trong nhiều năm. May thay, các cư dân bộ tộc Surui và Waorani vẫn đang đoàn kết 1 lòng và từng ngày thích ứng với những thay đổi./.

Tin mới nhất

Giới thiệu ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20

Giới thiệu ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20

Kinh tế 29/03/2024

(ANTV) - Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20 hướng tới Năm Du lịch quốc gia 2024 - "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận", góp phần thúc đẩy liên kết phát triển du lịch các vùng với kỳ vọng ngành du lịch thành phố có những bước chuyển mình, tăng tốc ổn định góp phần phát triển du lịch, kinh tế của cả nước. Đây là thông tin được Sở Du lịch TP HCM và Hiệp hội Du lịch TP.HCM công bố tại buổi Họp báo ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20 năm 2024.

GDP quý I tăng 5,56%

GDP quý I tăng 5,56%

Kinh tế 29/03/2024

(ANTV) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 của Việt Nam tăng cao nhất trong giai đoạn năm 2020-2023. Đây là số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê.

Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên

Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên

Thế giới 29/03/2024

(ANTV) - Nga ngày 28/3 đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc gia hạn nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ Ủy ban phụ trách các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên đến ngày 30/4/2025.

Xem thêm