Cam kết bao gồm hơn 19 tỷ USD các khoản quỹ công và quỹ tư nhân, được sự ủng hộ từ nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Congo, Indonesia, Nga và Mỹ. Một phần trong ngân khoản sẽ được chuyển tới các nước đang phát triển, nhằm phục hồi những vùng đất đã bị hư hại, đối phó nạn cháy rừng, và hỗ trợ các cộng đồng dân cư bản địa.
Chính phủ 28 nước cam kết sẽ loại bỏ việc phá rừng khỏi hoạt động thương mại toàn cầu đối với thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác như dầu cọ, đậu nành và ca cao. Những ngành công nghiệp này khiến rừng bị mất đi nhanh chóng hơn, do con người cần đốn rừng lấy đất chăn nuôi gia súc hoặc trồng hoa màu.
Ngoài ra, lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng đã cam kết “loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng”.
Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận này trong phát biểu khởi động cuộc họp về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26. Ông khẳng định thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.