Hơn chục dự án từ nhiệt điện, thủy điện, điện gió... đang chậm hoặc không thể triển khai. Đó là thực tế đang xảy ra ở thị trường điện nước ta theo thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này được nhìn nhận là do giá bán điện bình quân hiện còn thấp, chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư.
Tháng 4 năm nay, Chính phủ đã ban hành quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Theo đó, mức giá bán điện dành cho các nhà máy này là 2.086 đồng/Kwh điện. So sánh với mức giá bán điện bình quân đang là hơn 1.700 đồng hiện tại, các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, giá điện sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh tăng, nhằm tránh tình trạng EVN phải bù lỗ khi mua điện giá cao để bán với giá thấp.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia năng lượng thuộc tổ chức Ngân hàng thế giới, từ nay đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ tăng thêm 10%. Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng này, giá điện bình quân nhiều khả năng sẽ tăng thêm 40% so với hiện tại, nếu không sẽ không có đủ nguồn tài chính cho các dự án điện cũng như khó thu hút nhà đầu tư để gia tăng tính cạnh tranh trong khâu sản xuất điện.