Hiện đang giữa vụ thu hoạch sắn, tuy nhiên giá sắn xuống thấp, từ 600 đến 650 đồng/kg đã khiến người trồng không muốn thu hoạch. Vì có thu hoạch thì với giá như hiện nay, sau khi trừ công thu hoạch và chi phí vận chuyển, người trồng vẫn phải chịu lỗ. Hệ quả là nhiều rẫy sắn của bà con đành chấp nhận bỏ hoang.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Xã EaBar, huyện Sông Hinh nói: Cũng chờ nhà máy mà giá thấp quá, không biết có nhổ bán được hay không.
Ông Trương Duy Pháp, Xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân cho biết: Giá sắn năm nay thì rẻ hơn năm ngoái mà còn bị thiệt hại nữa nên thu mua bà con mất trắng hết.
Một nguyên nhân khác khiến người trồng sắn hết sức lo lắng là năng suất thấp. Những năm trước, mỗi ha sắn giống mới thu được từ 40 đến 50 tấn củ, năm nay năng suất giảm hơn 50%, cùng với đó, độ bột trong củ cũng xuống thấp. Nguyên nhân chính là do cuối năm 2016, thời điểm cây sắn tạo củ và trữ bột gặp mưa kéo dài, khiến nhiều diện tích bị úng nước, làm thối củ hoặc độ bột thấp.
Thời vụ 2015 giá 1 kg sắn chưa tính trữ lượng bột là 1.500đ/kg đến 1.700đ/kg. Đến năm 2016, khi bắt đầu xuống giống gặp khô hạn kéo dài, tới vụ thu hoạch gặp mưa lũ khiến trữ lượng bột rất thấp và giá chỉ còn 600đ/kg. Trước tình trạng giá sắn giảm mạnh, thu nhập thấp, nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây sắn và nhiều hộ tìm hướng chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh cho biết: Thời gian gần đây, năng suất không được cao, giá sắn thấp nên nhiều hộ đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây khác để tìm hướng phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, sắn là cây trồng có thể “xóa đói” nhưng không thể “giảm nghèo”. Thực tế cho thấy, gắn bó với cây sắn, người trồng liên tục đối mặt với nhiều rủi ro, khả năng thành công là rất thấp.