Không phủ nhận Thông tư 14 có nhiều điểm mới hơn các thông tư trước nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vay vốn ưu đãi thì việc đầu tiên vẫn phải chờ các Ngân hàng thương mại triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãm lãi vay… Trên thực tế, trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp không dễ để chứng minh được năng lực tài chính, chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh đến doanh thu, thu nhập... do đó, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý dòng tiền; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các Ngân hàng sẽ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh COVID-19 nói chung, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, có thể kéo dài, tác động của dịch COVID-19 còn có “độ trễ” khiến nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về sau này. Ngay cả khi sắp tới các hoạt động có thể trở lại trạng thái “bình thường mới” thì để các doanh nghiệp khôi phục dần cũng mất khá nhiều thời gian. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có các hỗ trợ về tín dụng cần tính tới phương án “hậu COVID-19” để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi một cách thực tế, phù hợp, hài hòa giữa doanh nghiệp và Ngân hàng.