Trên đây là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khi thừa quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) trước Quốc hội trong phiên họp chiều 21/10.
Trình bày tờ trình Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động thời điểm hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động.
Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 Chương, 31 Điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ. Xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của lực lượng CSCĐ tại Điều 9 của dự thảo luật, trong đó kế thừa nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ đồng thời bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động.