Dự báo trước tình thế cách mạng, thực dân Pháp âm mưu phá hoại đất nước ta. Ngay từ đầu năm 1946, lực lượng Công an tổ chức lại bộ máy hoạt động. Khẩn trương, chủ động về phương tiện, con người và xây dựng các biện pháp nghiệp vụ, thống nhất ý chí, nhằm chuẩn bị cho 1 cuộc kháng chiến lâu dài sau này.
Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an cho biết: Lực lượng công an Hà Nội, Sở Công an Bắc Bộ chỉ đạo công an các tỉnh lân cận chuẩn bị lực lượng, vũ khí phương tiện đối phó với gây hấn quân sự của Pháp. Trong nội thành thì cảnh sát các quận vừa kiềm chế, tránh gây hắn nhưng cũng vừa đảm bảo ANTT trong thành phố. Ngoài sự chuẩn bị đó thì công an phân công 1 số nhiệm vụ, tổ chức nhân dân sơ tán ra khỏi thành phố, tài liệu giấy tờ, phương tiện di chuyển lên chiến khu.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, nắm chắc tình hình, lực lượng Công an đã nhanh chóng phá 1 số vụ gián điệp; kịp thời trừng trị các đối tượng gian ác, nguy hiểm. Đặc biệt vào đêm ngày 17/2/1946 khi đội liên lạc đặc biệt tổ chức dẫn đường đưa Trung đoàn Thủ đô vượt sông, đã bị địch phát hiện, chiến đấu anh dũng, 8 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đó có 4 cán bộ trinh sát của lực lượng Công an.
Tối ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Suốt 2 tháng chiến đấu trong nội đô Hà Nội, lực lượng Công an cùng với quân và dân Thủ đô đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân. Thành lập các ổ đề kháng, các cứ điểm chiến đấu, bảo vệ từng căn nhà, góc phố của Hà Nội, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.
Ở Trung Bộ và Nam bộ, lực lượng Công an phối hợp các lực lượng, trực tiếp đối đầu, đánh phá kế hoạch bình định, giữ chân kiềm chế không cho địch đưa lực lượng đi chi viện. Và đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Thắng lợi của ngày toàn quốc kháng chiến đã để lại nhiều bài học sâu sắc về tinh thần chủ động tạo thế trận an ninh, phát huy sức mạnh của toàn dân. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng, lực lượng CAND tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.