Được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông mà không phải thi với nhiều em học sinh sẽ là điều thuận lợi. Bởi theo các em, với giấy chứng nhận này sẽ giúp các em nhiều trong việc đi du học hay đi làm những công việc mà không cần bằng tốt nghiệp.
Chia sẻ những ý kiến của các em học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, người đã có nhiều năm gắn bó với các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, sớm phải đi làm ngay khi rời ghế nhà trường.
Ông cho biết: Với những công việc không yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông thì giấy chứng nhận đó hoàn toàn có giá trị, không cần bắt học sinh phải tốt nghiệp, chúng ta phải bỏ đi cái lối sính bằng cấp từ trước đến giờ, rất hình thức.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khác , cũng cần phải làm rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận này để làm gì? Giá trị sử dụng của nó như thế nào? Bởi thực tế, việc hoàn thành bậc học đã được thể hiện rõ trong học bạ của học sinh nên việc đưa quy định này vào Luật là không nên và chồng chéo.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, để cấp được chứng chỉ này chúng ta cần có một hệ thống giáo dục hoạt động thực chất, đặc biệt là uy tín của các trường THPT. Khi cấp giấy chứng nhận đó thì chính các trường THPT phải đảm bảo được chất lượng của tấm bằng đó. Vì nếu các trường THPT mà làm không nghiêm chỉnh trong việc cấp bằng hay cho điểm học sinh trong quá trình học và đánh giá cả 3 năm thì chứng nhận đó không còn giá trị.