Thường kỳ cứ vào mỗi đầu tháng, sau phiên họp của Chính Phủ, Văn phòng Chính phủ đều tổ chức họp báo để cung cấp thông tin. Việc thông tin không diễn ra một chiều, mà là dịp để phóng viên, các cơ quan báo chí đặt câu hỏi, chất vấn nhiều vấn đề nóng tới lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương.
Đây chỉ là một trong rất nhiều kênh để người dân có thể tiếp cận, trao đổi thông tin với chính quyền. Thông qua mạng internet, người dân, và doanh nghiệp có thể phản ánh, kiến nghị, đối thoại trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan ban, ngành.
Hằng năm, Việt Nam đều tổ chức công khai Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước cải thiện, phát triển mạnh mẽ. Không những thế, Việt Nam còn luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng (...).
Khách quan phải thừa nhận, hiện nay việc phát ngôn, cung cấp thông tin của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa thật tốt, còn chậm trễ, và thiếu rõ ràng. Tuy nhiên, những thành quả của Việt Nam trong bảo đảm quyền được thông tin của người dân là rất cơ bản và không thể phủ nhận. Điều này đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam hôm nay dẫu còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Việt Nam cam kết và nỗ lực không ngừng để thực thi một cách tốt nhất về quyền con người.