Con gái đầu của bà H’Blơp là H’Nik ÊNuôl năm nay vừa tròn 27 tuổi nhưng đã là mẹ của ba đứa con gái. Do H'Nik nghỉ học từ năm lớp 8, lấy chồng sớm lại sinh đông con, con cái thường xuyên đau ốm nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình H'Nik đều phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của người chồng. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn.
Còn H’Juyl Ê Ban vừa là người em họ hàng vừa là em dâu của H’Nik Ê Nuôl, hiện mới bước sang tuổi 16 nhưng đã mang thai được bốn tháng. Mặc dù H’Juyl và gia đình đều hiểu rõ kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống là vi phạm pháp luật nhưng vì lỡ có thai nên hai bên gia đình vẫn chấp nhận tổ chức đám cưới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh ĐắkLắk, mỗi năm, Đắk Lắk có khoảng 800 cặp tảo hôn và gần 20 cặp trường hợp kết hôn cận huyết thống, trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện Ea Súp, Ea H’Leo,Cư’Mgar, Krông Pắk và Krông Bông.
Nguyên nhân chủ yếu là do các cặp tảo hôn yêu sớm và quan hệ trước hôn nhân đã có thai ngoài ý muốn hoặc kết hôn cận huyết thống do muốn giữ tài sản của gia đình, không muốn tài sản vào tay dòng họ khác.
Để làm giảm các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại Đắk Lắk trong thời gian tới, rất cần có sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, sự hỗ trợ kinh phí từ các chương trình trong việc triển khai các hoạt động can thiệp nhằm mục đích làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, từ đó, góp phần giảm, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại tỉnh Đắk Lắk.