Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện khi các tổn thương lan rộng hơn, chảy nước, đau nhức, sau khi đã tự điều trị mà ko đỡ. Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn với zona thần kinh, sử dụng các loại lá để đắp lên vết thương, dẫn đến bội nhiễm, biến chứng.
Theo các bác sĩ, để sơ cứu đúng cách tổn thương trên da khi tiếp xúc với kiến ba khoang, người dân nên chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc gồm: cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem Phenaegan. Khi bị nhiễm độc kiến ba khoang, dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị tổn thương, sau đó sử dụng mỡ corticoid bôi lên vết thương 4 - 6 lần/ngày, sử dụng kem Phenaegen 8 - 10 lần/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Nữ giới và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều từ tháng 9 đến hết tháng 11, đặc biệt là tại các địa phương có tình trạng thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều.
Để phòng ngừa kiến ba khoang, người dân nến sử dụng đồ bảo hộ như đeo găng tay để bắt kiến, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch. Loại kiến này ưa ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào nhà theo ánh sáng, thường đậu vào quần áo, khăn mặt, chăn màn. Do đó, người dân nên kiểm tra kỹ lại vật dụng, giũ sạch trước khi sử dụng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà.