Mới đây, việc khởi công dự án sân bay Long Thành đã chứng tỏ VN luôn coi trọng phát triển hạ tầng giao thông chiến lược. Khi đưa vào khai thác, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%. Chỉ khi cơ sở hạ tầng tốt và hiện đại thì kinh tế mới có thể phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện về sân bay Long Thành là một ví dụ điển hình cho thấy những tín hiệu lạc quan về kinh tế để VN có thể cất cánh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng dương (2,91% GDP), Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.
Với quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN. Hiện GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Việt Nam có lạm phát được kiểm soát vững chắc ở mức thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những điều kiện để nền kinh tế VN có thể tự hào bước tiếp trong tương lai.
Hiện nay, VN đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng cho năm 2021 và 5 năm tiếp theo một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh. Có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất với ý chí cao. Đây chính là nền tảng quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong thời gian tới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.