Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung nhiệt, hóa, điện sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung nhiệt, hóa, điện sẽ gây ra tiếng nổ hoặc rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Như vậy người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có năng lực, hành vi dân sự được sử dụng pháo trong lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương, hội nghị. Và khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh pháo hoa.
So với Nghị định trước đây, Nghị định 137 đã định nghĩa lại các khái niệm pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa. Tuy nhiên, ngoài số người dân chưa hiểu rõ thì cũng có tình trạng một bộ phận người dân cố tình hiểu sai quy định để nhằm mục đích “hợp thức hóa” những hành vi vi phạm liên quan đến pháo.
Như vậy, với sự ra đời của Nghị định 137, người dân cần chủ động tìm hiểu rõ quy định, tránh hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa.
Việc hiểu không rõ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán 2021 đang cận kề… nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.