Từ khi tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội thi công, người dân dọc tuyến đường Hồ Tùng Mậu gọi đây là tuyến đường đau khổ. Vỉa hè luôn chật kín các phương tiện giao thông. Việc ùn ứ kéo dài hàng ngày khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Anh Dương Văn Lanh - Huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: "Trước mắt là ảnh hưởng đến người đi lại rồi, đường thu hẹp hai bên, đi lại rất khó khăn".
Còn với những người tham gia giao thông, việc chôn chân trong dòng người đông đúc này trở thành nỗi ác mộng thường nhật. Chị Nguyễn Hải Trinh - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Từ nhà mình đến cơ quan chỉ có 3km nhưng có hôm đi hết 2 tiếng rưỡi mới đến cơ quan".
Tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy có lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, vì đây là cửa ngõ phía Tây, tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm Hà Nội. Thế nhưng, để phục vụ thi công, các nhà thầu đã lập rào chắn 2/3 lòng đường, khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc. Đặc biệt tại những đoạn thi công nhà ga hoặc giao cắt. Để đủ lực lượng ứng phó với “điểm đen giao thông” này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an Hà Nội đã phải phối hợp cả với Công an quận Bắc Từ Liêm và Công an quận Nam Từ Liêm.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Thái - Phó Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Dự án thi công đường sắt trên cao tiến độ triển khai thi công bị kéo dài, lưu lượng tăng đột biến, chính vì thế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông và Công an quận Nam Từ Liêm để cắt cử cán bộ chiến sỹ phân luồng hướng dẫn đặc biệt là các nút ngã ba, ngã tư, hướng dẫn ra đường 32".
Hiện tại trên toàn thành phố Hà Nội có 11 công trình lớn thi công kéo dài với 27 điểm rào chắn, thu hẹp mặt đường, tạo ra các điểm thắt nút, gây nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam việc đầu tư dàn trải đối với các dự án trọng điểm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án, gây ùn tắc giao thông.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: "Chúng ta quản lý và đầu tư hệ thống giao thông công cộng hết sức trì trệ và chậm tiến độ. Như đường sắt Cát Linh kéo dài gấp 3-4 lần so với tiến độ thi công ở các nước khác. Đường sắt từ Ga Hà Nội đến Nhổn biết bao giờ cho xong. Chúng ta có những sai lầm trong việc quyết định đầu tư dự án, trình tự đầu tư dự án".
Riêng tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, dự án được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư dự kiến đầu tư ban đầu là 783 triệu Euro, nhưng do chậm tiến độ, đến nay đã phải điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro, tức là tăng gần 400 triệu Euro. Hà Nội phát triển dự án đường sắt đô thị với mục đích phát triển vận tải công cộng, chống ùn tắc, nhưng với thực trạng vỡ tiến độ, đội giá, thì dường như chính các dự án này đang đi ngược lại chủ trương trên. Còn người dân, ngoài việc phải đóng thuế để bù cho khoản đội giá kia thì không biết họ sẽ phải khổ sở với tình trạng ùn tắc, kẹt xe đến bao giờ?