Tương truyền "Tết lại" bắt nguồn từ sự kiện vua Quang Trung dẹp giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, Các binh sĩ không được hưởng một cái Tết trọn vẹn do phải hành quân đánh giặc, bảo vệ nền độc lập quốc gia.
Sau khi giải phóng, người dân ổn định cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn. Cũng có tích kể rằng, Tết lại ở Sóc Sơn đã có từ thời Hùng Vương, cách triều đại vua Quang Trung hàng nghìn năm. Qua hàng ngàn năm lịch sử, Tết lại vẫn được gìn giữ, nhưng lại có 1 ý nghĩa riêng.
Đón tết lại, mỗi gia đình ở Đức Hòa lại chuẩn bị bánh chưng xanh, cành đào, mỗi xóm làng lại vang lên tiếng trống hội, cờ hoa đủ sắc. Điều khác biệt với tết cổ truyền "Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ", dịp này thanh niên sẽ đến nhà nhau, thanh niên xóm này sẽ đến thanh niên xóm kia để giao lưu...
Còn ở chùa, ở đình làng, ngoài những người đi lễ, các cụ già sẽ đến đây, ngồi lại bên nhau với dăm ba miếng trầu, và những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm.