Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc, chia sẻ, Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Từ lúc lên 8 tuổi , tôi đã đi quẩy than, làm lò rèn. Trải qua nhiều nghề đã dạy cho tôi biết mài dao, mài đục, biết rửa cưa. Từ năm 1982, tôi đến với nghề mộc. Vì do bố tôi rất yêu nghề, cụ rất thích nhà cổ bằng tre tôi cảm thấy đó là sự thúc giục tôi đến với nghề này
Những ngôi nhà cổ mang nét văn hóa của từng vùng miền trên cả nước, chủ yếu bằng gỗ lim, gỗ mít và nhiều loại gỗ khác nhau. Tùy theo kiến trúc mà các hoa văn nhiều hay ít. Nhưng dù hoa văn thế nào cũng đều gắn với truyền thống, gắn với những ước vọng của người dân.
Để làm hoàn thiện một ngôi nhà cổ sẽ mất khoảng 5 đến 7 tháng, tương đương với 1500 ngày công. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ phải hiểu rõ về văn hóa truyền thống xưa theo từng triều đại. Điều này cũng dễ hiểu khi ông Phúc dành thời gian hơn 20 năm lặn lội đến hàng chục địa phương, gặp các nhà văn hóa để tìm hiểu về văn hóa, các di tích lịch sử đặc biệt ở các làng cổ. Bởi một ngôi nhà cổ không chỉ đảm bảo chiều cao, tính thẩm mỹ mà còn chứa đựng cái hồn cốt, nét văn hóa truyền thống xưa
Thành quả của những năm tháng khó khăn chính là khối kiến thức về văn hóa phi vật thể, kiến thức về văn hóa làng xã mà ông Phúc góp lượm được. Cộng với sự cần cù, tỷ mỉ, tinh xảo trong từng chi tiết đã giúp ông cùng những nghệ nhân khác tạo nên hàng trăm ngôi nhà cổ ở nhiều vùng miền khác nhau, góp phần vào giữ gìn nét truyền thống văn hóa người Việt.
Ghi nhận những cống hiến của các nghệ nhân ở đây, những năm qua, Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc đã được các ban ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đằng sau những giải thưởng, đằng sau sự yêu mến của người dân, hơn hết với ông Phúc là cái tâm của người thợ, cái tâm với việc bảo tồn các làng nghề truyền thống. Đó cũng là điều mà nghệ nhân Đỗ văn Phúc trải nghiệm trong suốt gần 40 qua.
Chia tay với ông, chúng tôi vẫn nhớ mãi tâm niệm: “Một người thợ giỏi là người biết yêu giá trị văn hóa, yêu chính những đường cưa lưỡi đục, trân trọng những giá trị truyền thống mà ông cha để lại”.