Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015, Nga đã thông báo quyết định tham gia AIIB, trở thành quốc gia mới nhất nộp đơn gia nhập dự án này sau Brazin, Áo, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước vừa thông báo tham gia AIIB trong tuần này.
Trước đó 1 ngày, Brazil và Áo cũng đưa ra quyết định tương tự sau khi bày tỏ quan tâm tới sáng kiến này của Trung Quốc. Trong khi đó, ngày 26/3, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo quyết định tham gia AIIB với tư cách 1 thành viên sáng lập.
AIIB hướng tới sứ mệnh thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và cơ sở hạ tầng khác tại các nước đang phát triển ở châu Á. Ngày 31/3 tới là thời hạn cuối cùng để đề nghị trở thành thành viên sáng lập ngân hàng này. Dự tính văn bản điều lệ thành lập sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bất chấp lo ngại của Mỹ rằng, AIIB có thể sẽ trở thành đối thủ của các tổ chức tài chính truyền thống như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều nước châu Âu vẫn quyết định tham gia sáng kiến này, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italia, Luxembourg, Thụy Sĩ.