Theo thống kê của worldometers, tính đến hiện tại, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã lây lan tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 3,4 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 240.000 ca tử vong và hơn 1 triệu người đã được điều trị khỏi bệnh. Châu Âu vẫn đang là lục địa chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, với số ca tử vong hiện đã vượt ngưỡng 140.000 người.
Tín hiệu tích cực đã được ghi nhận tại Pháp, khi nước này chỉ ghi nhận hơn 218 ca tử vong mới, con số trong ngày thấp nhất trong hơn 5 tuần qua. Số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực cũng giảm liên tiếp từ 23 ngày nay.
Tây Ban Nha và Italia cũng khẳng định xu hướng giảm của dịch bệnh khi trong 24h qua mỗi nước chỉ ghi nhận thêm hơn 200 ca tử vong. Tây Ban Nha sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa cuối tuần này, cho phép mọi người được ra ngoài tham gia các hoạt động thể thao.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh ở Anh lại không khả quan, khi số ca tử vong hiện đã tăng lên hơn 27.000 người trong tổng số hơn 177.000 ca nhiễm bệnh. Như vậy, Anh đã trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 tại châu Âu, sau Italia.
Còn tại Nga, hôm qua nước này ghi nhận thêm gần 8.000 ca nhiễm mới và vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh dịch. Mặc dù vậy, chính phủ Nga cũng đã đề cập tới khả năng dỡ bỏ 1 số biện pháp trong lệnh phong tỏa từ ngày 12/5 tới.
PAHO cảnh báo Mỹ Latinh đối mặt với nguy cơ thảm họa khi nới lỏng biện pháp phòng dịch
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 1/5 cảnh báo khu vực Mỹ Latinh sẽ đối mặt với thảm họa khi chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 để tìm kiếm sự “bình thường mới” trong khi mối đe dọa của điều “tồi tệ” nhất đang đến gần./.
Hai tháng sau khi nghi nhận ca bệnh đầu tiên tại thành phố Sao Paulo, Brazil, số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại khu vực trên 630 triệu dân này đã lên trên 11.000 người và số ca bệnh đạt hơn 230.000 người. Brazil và Mexico chiếm 69% trên tổng số ca tử vong trong khu vực.
Trước đó, chính phủ các nước khu vực Mỹ La tinh đã có những phản ứng nhanh chóng với việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, kiểm dịch bắt buộc và thậm chí là giới nghiêm nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ các nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để khôi phục nền kinh tế, người dân đã bắt đầu tỏ ra chủ quan với dịch bệnh. Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm và phân tích sức khỏe của PAHO cảnh báo chính phủ các quốc gia trong khu vực không nên buông lỏng cảnh giác cho tới khi dịch đạt đỉnh điểm và số ca nhiễm bắt đầu giảm.