Theo ông Davis, bản kế hoạch trên là khuôn khổ cho một kế hoạch lớn hơn và nhằm vào lực lượng IS trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Iraq và Syria. Bản kế hoạch này sẽ định rõ nội hàm của khái niệm đánh bại IS và sẽ nhanh chóng đánh bại nhóm chiến binh này.
Giới quan sát nhận định việc xem xét lại chiến lược của Mỹ diễn ra vào thời điểm quyết định trong bối cảnh liên minh do Mỹ đứng đầu đang nỗ lực đánh bại IS ở cả Iraq và Syria, đồng thời có thể dẫn đến việc nới lỏng một số hạn chế về chính sách được đưa ra từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Trước đó, ngày 28/1, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu giới tướng lĩnh quân đội nước này trong vòng 30 ngày phải trình kế hoạch đánh bại IS. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng được giao nhiệm vụ đề xuất về bất cứ thay đổi cần thiết nào đối với các quy tắc giao chiến và hạn chế chính sách của Mỹ, nhằm xác định các đối tác liên quân mới và đưa ra đề xuất về những cơ chế chặn đứng nguồn tài trợ của IS.
Nga kêu gọi Mỹ đánh giá chính xác hơn về cuộc tấn công nhằm vào phái bộ OSCE tại Ukraine
Liên quan đến vấn đề Ukraine, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã kêu gọi Washington nghiên cứu tình hình thận trọng hơn trước khi đưa ra đánh giá tình hình tại Ukraine, trong đó có cuộc tấn công nhằm vào phái bộ giám sát Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại nước này.
Bình luận về lời kêu gọi của Mỹ gửi tới các nước hữu quan, trong đó có Nga, đề nghị đảm bảo hoạt hoạt động của OSCE tại Ukraine, ông Peskov nhấn mạnh cần phải chú ý hơn trong các đánh giá tình hình, đặc biệt trong việc xác định nguồn gốc những hành động khiêu khích.
Chính các quan sát viên OSCE đã nhiều lần ghi nhận rằng nguồn gốc của những hành động khiêu khích là lực lượng vũ trang Ukraine. Ông Peskov đồng thời tái khẳng định Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.