Trong một phát biểu, ông Le Maire đã đề cập đến những quyết định của EU vào năm 1996. Ông cho rằng những quyết định này có thể cho phép EU can thiệp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu khỏi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào do Mỹ áp đặt.
Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp phát biểu: Chúng tôi đang chờ đợi xem EU có thể bồi thường cho các công ty này hay không. Pháp mong rằng EU có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề này.
Vào năm 1996, khi Mỹ tìm cách trừng phạt các công ty nước ngoài giao dịch với Cuba, EU đã buộc Mỹ phải từ bỏ việc này bằng cách đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa.
Hôm 16/5, tập đoàn năng lượng Total của Pháp đã tham gia cùng nhiều doanh nghiệp châu Âu khác trong việc phát đi các tín hiệu về khả năng rút khỏi những hợp tác với Iran do lo ngại tác động sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Tehran năm 2015.
Ukraine cảnh báo châu Âu về dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Liên quan đến những căng thẳng xung quanh dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu. Trong bài viết mới đây trên tờ Frankfurter Allgemeine của Đức, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhận định, đây là dự án thuần túy địa chính trị của Điện Kremlin, nhằm tìm cách làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu.
Ông Poroshenko cũng cho rằng, ngay sau khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Nga sẽ bắt đầu cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào các giá trị châu Âu.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt theo Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225 km, đặt mục tiêu hàng năm sẽ cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt của Nga cho EU, thông qua biển Baltic đến Đức, thay vì đi qua Ukraine như trước nay. Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine, do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga./.