Trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có đến 6 quốc gia thuộc châu Âu, trong đó Italia ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất thế giới với hơn 4000 ca.
Giống như những người cao tuổi và có bệnh lý là đối tượng có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) – với tư cách là 1 khối - dường như càng dễ bị tổn thương bởi đại dịch so với từng quốc gia riêng lẻ.
Có thể nói từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Italia cách đây gần 1 tháng và bắt đầu lan rộng ra toàn bộ các nước EU thì khối này đã phản ứng chậm trễ và thiếu phối hợp. Cùng với tốc độ gia tăng các ca nhiễm bệnh, chính phủ các nước cũng tự đưa ra các biện pháp riêng để ứng phó. Hàng loạt các lệnh đóng cửa biên giới ngay lập tức làm gián đoạn sự lưu thông tự do vốn có ở khu vực.
Việc không có giải pháp thống nhất cũng khiến các thành viên EU không thể đoàn kết, trợ giúp lẫn nhau. Ví dụ rõ nhất là khi Italia kêu gọi các nước viện trợ hoặc cung cấp khẩn cấp khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế nhưng hầu như không được đáp ứng. Trước đó Đức, Pháp thậm chí ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng này vì lo ngại dịch bùng phát trong nước.
Đại dịch COVID-19 rõ ràng đã khiến châu Âu bộc lộ nhiều điểm yếu khi chủ nghĩa dân tộc quay trở lại và các giá trị tự do bị đe dọa.
Sau 1 thời gian dài loay hoay, đến tối 17/3, cuối cùng EU đã đạt được nhất trí đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người ngoài khối, trừ 1 vài ngoại lệ nhỏ, cũng như thiết lập các “tuyến đường xanh” ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhất là trang thiết bị y tế. Các gói hỗ trợ trị giá hàng chục tỷ euro cũng được tung ra nhằm cứu lấy nền kinh tế các nước thành viên và tài trợ cho nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2.
EU, dù hơi muộn màng, song đã thực sự nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19, và hiệu quả của nỗ lực mới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của từng quốc gia trong khối.