Sorawut Kittibanthorn, năm nay 30 tuổi, đã trở về Thái Lan sau thời gian du học. Hiện anh đang tìm kiếm nhà tài trợ để tiếp tục dự án nghiên cứu chuyển đổi thành phần dinh dưỡng có trong lông gà thành một dạng bột có thể ăn được.
Anh Sorawut Kittibanthorn cho biết, “Lông gà có chứa rất nhiều Protein, nếu biết cách chúng ta có thể tách những protein này ra và tạo thành thực phẩm giàu dinh dưỡng cho nhiều người trên thế giới, đồng thời giảm thiểu những chất thải ra môi trường.”
Anh Sorawut thống kê, chỉ riêng ở Châu Âu, mỗi năm có tới 2,3 triệu tấn lông vũ bị vứt bỏ.Và với sức tiêu thụ thịt gà như ở Châu Á, lượng lông vũ bỏ đi sẽ nhiều hơn con số này 30%. Sorawut từng theo học thạc sĩ ngành Vật chất tương lai ở London, Anh. Anh cho biết để ý tưởng này có thể áp dụng rộng rãi vào thực tế cần qua nhiều khâu kiểm tra. Tuy nhiên, anh đã đạt được khởi đầu thuận lợi khi món bít tết và gà rán từ lông vũ nhận được đánh giá tích cực.
Chị Cholrapee Asvinvichit, Blogger ẩm thực cho rằng, “Tôi không nghĩ rằng món ăn này lại được làm từ lông gà. Nếu chỉ nhìn và thưởng thức không ai có thể đoán được nguồn gốc của nó. Tôi thấy không khác gì những món ăn được phục vụ trong những nhà hàng hay khách sạn cao cấp.”
Theo bà Hathairat Rimkeeree, Giáo sư tại trường Đại học Kasesart, “Tôi cho rằng nguyên liệu này hoàn toàn có khả năng trở thành một loại thực phẩm thay thế trong tương lai.”
Các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc từ thực vật đang ngày trở nên phổ biến, khi nhiều người lo ngại nguy cơ ăn nhiều thịt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và việc giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường. Dù thịt từ lông vũ không phải sản phẩm thuần chay, song anh Sorawut cho rằng đây là một cách để mọi người cùng ý thức về môi trường.