Theo chính giới Đức, nguyên nhân của sự gia tăng nguy cơ khủng bố là do sự điều chỉnh chiến lược của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hồi tháng 9/2015, IS đã tuyên bố bắt đầu "tấn công trực tiếp" vào các nước Phương Tây, với các vụ giết hại con tin và tàn sát hàng loạt.
Mục tiêu của chúng là kích động lòng thù hận đối với người Hồi giáo, tạo ra sự phân cực lớn hơn nữa trong xã hội các nước Phương Tây và làm Phương Tây "tự rối loạn", đồng thời thu hút thêm nhiều phần tử ủng hộ thánh chiến từ chính các nước Phương Tây.
Trước tình hình trên, Cơ quan Tình báo Đức cho rằng các nước châu Âu và Mỹ cần tăng cường can thiệp quân sự hơn nữa ở Iraq và Syria để chống IS, đồng thời phải hành động để ngăn chặn sự lan tràn của tư tưởng cực đoan trong lòng xã hội Phương Tây.
Đồng ruble Nga mất giá mạnh
Một tin buồn cho Moscow vào đầu năm mới. Đồng ruble Nga chiều qua tiếp tục giảm sâu, hạ xuống mức kỷ lục mới lần thứ 2 trong ngày kể từ tháng 12/2014. Tại sàn giao dịch Moskva, đồng ruble giao dịch ở mức 75,1 ruble/USD, tuy nhiên đến 17h20 (tức 21h20 giờ Hà Nội) đã tăng lên mức 74,8 ruble/USD. Như vậy, đồng ruble đã mất giá 2,21% so với phiên đóng cửa trước đó.
Trong phiên giao dịch sáng 6/1, đồng USD đã tăng giá lên mức mức kỷ lục kể từ tháng 12/2014, phá vỡ ngưỡng 74 ruble/USD. Đồng euro cũng tăng lên trên mốc 80 ruble, giao dịch ở mức 80,69 ruble/euro, tăng 2% so với mức giá đóng cửa ngày 5/1.
Đồng ruble Nga mất giá trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc. Giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 2 tại thị trường London vào hồi 17h28 giờ Moskva giảm 4,85% so với mức đóng cửa ngày hôm trước, còn 34,66 USD/thùng. Giá dầu ở mức thấp nhất 11 năm qua do đồng Nhân dân tệ và nền kinh tế của Trung Quốc yếu đi, cũng như dự đoán về dự trữ dầu tại Mỹ tăng cao hơn so với dự kiến.