Địa bàn vùng nông thôn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định hơn một năm trở lại đây, bên lũy tre làng giờ chi chít những tờ quảng cáo chào mời vay tiền. Nhiều người vì cả tin, vì nhất thời túng thiếu đã tìm đến loại hình dịch vụ này, rồi từ đó lún sâu vào bẫy “tín dụng đen”, nợ nần chồng chất.
Giữa năm 2019, Công an huyện Phù Mỹ đã đấu tranh làm rõ, bắt khẩn cấp đối với 2 đối tượng là: Đỗ Văn Hoàng trú tại Thái Bình và Bùi Tuấn Anh trú tại Hải Phòng khi các đối tượng đang thu tiền góp hàng ngày của những người vay tiền trên địa bàn.
Từ cuối năm 2018, ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục mọc lên những cơ sở dịch vụ chuyển phát nhanh. Đây chỉ là bình phong để đối phó với cơ quan chức năng, còn thực chất lại là hang ổ của các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Mới đây, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang một ổ nhóm gồm 8 đối tượng tham gia cho vay nặng lãi.
Thủ đoạn của chúng là buộc người cần vay phải ký vào hợp đồng dưới hình thức mua xe máy nếu số tiền vay nhiều; hoặc hợp đồng mua điện thoại nếu số tiền vay ít hơn và còn phải nộp từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng gọi là phí điện thoại, phí thu tiền. Người cần vay vì quẫn bách, lại thiếu hiểu biết nên chấp nhận với lãi suất “cắt cổ” từ 15 đến 30% mỗi tháng, tương đương 180 đến 360% mỗi năm.
Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, từ giữa năm 2019 đến nay, lực lượng công an tỉnh Bình Định đã triệt phá và bắt giữ hàng chục đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi để đưa ra xét xử. Tuy nhiên, vì lợi nhuận siêu khủng, hoạt động tín dụng đen vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Do vậy trước hết, chính người dân phải chủ động tránh xa với hoạt động cho vay nguy hiểm này.