Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường.
Các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm Covid.
Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.
Hải Dương hiện vẫn là tâm điểm của dịch Covid 19 trên cả nước. Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến hàng nghìn tấn rau, củ, nông sản của người nông dân địa phương không thể tiêu thụ được. Trước thực trạng này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên cả nước đã chung tay giải cứu nông sản, giúp người dân Hải Dương vượt qua khó khăn.
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối, giới thiệu 66 cơ sở thương mại trên địa bàn Thủ đô với các đơn vị sản xuất của Hải Dương, qua đó hỗ trợ tỉnh này tiêu thụ hơn 800 tấn rau, củ quả. Dự kiến, khối lương tiêu thụ các loại nông sản này sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới.
Được biết, trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cả Hà Nội và Hải Dương đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh như: Phun khử khuẩn xe vận chuyển hàng hóa, mọi người cùng phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn cũng như các quy định khác về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Theo thống kê của Hải Dương, lượng nông sản đến kỳ thu hoạch như cà chua, bắp cải, su hào, các loại rau ăn lá... tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Sản lượng ước tính khoảng 90.760 tấn.
Hiện tại, dù các doanh nghiệp, siêu thị cũng như người dân của Hà Nội chưa thể giải quyết toàn bộ lượng lớn nông sản ở Hải Dương. Nhưng sự tham gia giải cứu của Hà Nội được coi là một điểm sáng trong việc giúp người dân Hải Dương vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.