Về khu dân cư Hòa Phú 5 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, ai ai cũng biết đến bà Trịnh Thị Hồng với cái tên quen thuộc “Bà tiên của người nghèo”. Bởi lẽ, bà luôn trăn trở làm sao có thể giúp được nhiều người nghèo nơi mình sinh sống, có công ăn việc làm ổn định. Chính suy nghĩ đó, đã tiếp thêm động lực, thôi thúc người phụ nữ này miệt mài nghiên cứu chế phẩm sinh học từ rác thải trong suốt 6 năm trời ròng rã, mặc dù phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều.
Xuất thân từ một người nông dân, không có kiến thức gì về công nghệ sinh học, nhưng bằng sự quyết tâm và ham học hỏi từ tất cả các nguồn thông tin. Bà Hồng phải mất 2 năm mới có thể nghiên cứu được quy trình thô ban đầu và 4 năm sau đó mới đưa ý tưởng vào thực tế. Sau khi thành công với ý tưởng này, bà Hồng lên kế hoạch và hướng dẫn cho phụ nữ nghèo ở địa phương và nhiều tỉnh thành khác học hỏi và áp dụng sản xuất.
Đặc biệt, gia đình chị Lê Thị Hiền Trang trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, một mình chị trở thành điểm tựa duy nhất khi mẹ và chồng đều mắc bệnh không có khả năng lao động. Nhưng nay, chị Trang lại có nguồn thu nhập khá ổn định từ việc tham gia sản xuất chế phẩm sinh học.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay, mơ ước của người phụ này đã trở thành hiện thực. Các sản phẩm sinh học như nước rửa chén, lau sàn, nước giặt quần áo đều được nhiều người biết đến và tin dùng. Khi có người ngỏ ý nhiều lần mua lại bản quyền với giá 5 tỷ đồng nhưng bà đều lắc đầu từ chối. Bởi lẽ, trong tâm khảm của người phụ ấy, ước mơ được góp một phần công sức vào việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo chưa bao giờ tắt.