Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt trên 300.000 tấn, với giá trị 644 triệu đôla Mỹ, giảm hơn 11% về khối lượng và 33% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, với giá bán bình quân thấp, chỉ xấp xỉ khoảng 30 triệu đồng/tấn, khiến cho các doanh nghiệp và những dân trồng cao su ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với những hộ dân trồng cao su với quy mô nhỏ, do giá xuống thấp nên đã chặt bỏ một số diện tích cao su chuyển sang trồng các loại cây khác.
Tính đến cuối năm ngoái, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất khu vực Tây Nguyên, với trên 105.000 ha, thế nhưng, 9 tháng năm nay đã giảm xuống còn 102.000 ha.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu của ngành cao su vẫn còn nhiều khó khăn do “cung” vượt “cầu” nên kéo theo đó là phục hồi và tăng trưởng chậm.
Tiêu thụ đường khả quan
Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vào thời điểm này, mức tiêu thụ đường đã có nhiều chuyển biến tích cực làm cho lượng đường tồn kho giảm nhanh. Cũng theo dự báo của hiệp hội này, bước sang năm 2015, giá đường sẽ dần hồi phục.
Thời gian gần đây, giá đường có xu hướng ổn định và tăng nhẹ. Theo đó, giá bán sỉ đường loại 50 kg/bao là hơn 15.000 đồng/kg; đường túi loại nửa kg/túi và 1 kg/túi là 18.000 đồng/kg; giá bán lẻ đường túi trên thị trường dao động từ 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sở dĩ giá đường duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài là do tình trạng cung vượt cầu và nạn buôn lậu đường từ các nước lân cận.
Mặt khác, hàng tồn kho cao làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường.
Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khả năng trong năm 2015, giá đường sẽ dần hồi phục.