Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, tái đàn sau mưa lũ và tuân thủ việc tiêm phòng vắc-xin; đồng thời hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản quản lý, chăm sóc đối với các diện tích nuôi thủy sản không bị ngập tràn; khôi phục sản xuất.
Hiện tỉnh Hà Tĩnh quyết định phân bổ nguồn kinh phí 2 tỷ đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ cho Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và các huyện, thị xã tập trung xử lý môi trường sau mưa, lũ trên địa bàn tỉnh.
Nông dân tỉnh Nghệ An đang tích cực khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với cây trồng vụ đông; khuyến cáo, với diện tích ngô sau lụt, cần dựng lại, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Những diện tích lạc sau khi nước rút dùng phân bón qua lá để phun. Trên cả đất màu, đất lúa cao trồng ngô nếp ngắn ngày lấy bắp tươi hoặc trồng ngô cây làm thức ăn cho gia súc.
Những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh còn tập trung cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt. Đến nay, toàn huyện đã xử lý được gần 10 nghìn giếng nước ở 18 xã, thị trấn. Số giếng và công trình vệ sinh còn lại đang được trung tâm chỉ đạo các trạm y tế phối hợp xã xử lý.
Nguy cơ mở cửa biển mới sau lũ lụt ở TT-Huế
Sau đợt mưa lũ vừa qua, tình hình sạt lở tại bờ biển tỉnh TT Huế càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tại bờ biển xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, triều cường mạnh, xâm thực sâu vào đất liền, có chỗ chỉ còn khoảng 200m là sẽ bị xoá sổ, nguy cơ mở cửa biển mới tại đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Dọc bờ biển xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế, nhiều vị trí đã bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào đất liền. Nhiều đoạn kè được xây dựng cách đây không lâu, xem ra cũng không chống chịu được sức tàn phá của sóng biển.
Địa bàn xã Vinh Hải hiện có hơn 2,5 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm, biển xâm thực từ 10 – 15 mét. Sau đợt mưa lụt vừa qua, nhiều đoạn sạt lấn sát khu vực đất sản xuất của người dân. Hơn 200 hecta đất nông nghiệp có thể sẽ bị xóa sổ, nguy cơ mở cửa biển mới chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp kiểm tra tình hình và yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp khắc phục sạt lở, tập trung ở những khu vực xung yếu nhất trong mùa mưa bão này.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh TT Huế, gần 7km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng tập trung ở các xã Quảng Công (Quảng Điền), Phú Thuận (huyện Phú Vang) và nhất là ở xã Vinh Hải (Phú Lộc). Để tháo gỡ thực trạng này, tỉnh TT-Huế cũng đã lập dự án khắc phục sạt lở bờ biển và đang đợi kinh phí từ Trung ương để có thể triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.