Năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có gần 20 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra về vấn đề chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Năm 2019, đã có gần 8 vụ việc bị điều tra chiếm 20% trong tổng số các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong đó phía Thổ Nhĩ Kỳ đã kết luận lẩn tránh còn Hoa Kỳ vẫn đang điều tra, kết luận sơ bộ lẩn tránh với hàng nông nghiệp từ Việt Nam.
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, nguy cơ gia tăng sự chuyển tải bất hợp pháp cũng như lẩn tránh phòng vệ thương mại là rất lớn. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay đang gia tăng.
Chuyển tải trái phép là khi sản phẩm là kết quả của các công đoạn sản xuất được di dời sang một nước khác không đáp ứng quy tắc xuất xứ, nó làm tăng rủi ro hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp khi dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề này thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà lâu dài tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Chu Tám Trung, Phó cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cần xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan có liên quan để tăng cường kiểm tra, theo dõi; phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Làm quyết liệt như vậy thì sẽ hạn chế được chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh phòng vệ thương mại.
"Tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; thường xuyên nghiên cứu, thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài. Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh và gian lận xuất xứ"- ông Mai Xuân Thành nói.
Mới đây, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa.. Đây được coi là một hoạt động thiết thực để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.