Đối với đồng bào người Mông ở đây, bánh và rượu tam giác mạch vốn là những món ăn, đồ uống quen thuộc bấy lâu nay. Thế nhưng giờ đây, những món đồ này không còn chỉ được dùng trong cuộc sống hàng ngày nữa mà đã trở thành những đặc sản độc đáo của địa phương. Với giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/ 1 lít, rượu tam giác mạch đã thực sự làm thay đổi cuộc sống gia đình anh Vừ Vản Phùa.
Từ lợi thế của tam giác mạch, vài năm gần đây, huyện Đồng Văn đã tiến hành thương mại hóa các loại sản phẩm chế biến từ hạt của cây hoa này. Các sản phẩm như: bánh kem quế, bánh dẻo, bánh giòn, rượu mạch đắng, trà tam giác mạch... đã được sản xuất với số lượng lớn, đóng gói bao bì, bày bán tại các điểm du lịch và được đông đảo du khách ưa thích, đón nhận.
 |
Để làm ra 1 chiếc bánh tam giác mạch mềm xốp rất kì công. Sau khi thu hoạch, người ta phải phơi hạt khô, xay kỹ bằng tay cho thành bột mịn, hấp chín mới ra được mẻ bánh ngon, dẻo, không bị lợn cợn. |
Bên cạnh đó, hiện nay, hạt hoa tam giác mạch ở Đồng Văn còn được lựa chọn làm nguyên liệu chế biến những món ăn mang phong cách Nhật Bản như: mỳ soba, bánh xèo Nhật,... tại chuỗi nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... Không chỉ đem lại những món ăn mới độc đáo mà còn tạo thêm đầu ra, mang lại thu nhập cho người dân.
Từ một loại cây cứu đói, giờ đây, tam giác mạch đã trở thành loại cây trồng vụ đông đem lại giá trị kinh tế cao. Với định hướng mở rộng diện tích, nghiên cứu phát triển thêm các loại sản phẩm chế biến và đầu tư dây chuyền sản xuất, chắc chắn tiềm năng của loài cây này sẽ còn được phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống mới cho đồng bào nơi núi đá còn muôn vàn khó khăn này./.