Ở khu du lịch Bản Đôn, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lâu nay, trong nhiều cửa hàng lưu niệm đều bày bán công khai các loại sản phẩm, trang sức. Khi khách du lịch đi tham quan, ghé hỏi, thì tất cả những người bán đều khẳng định chắc chắn những sản phẩm mà họ bán đều được làm từ Ngà Voi
Trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, của tỉnh Đắk Lắk cũng vậy, rất nhiều cửa hàng lưu niệm, quầy trưng bày một số khách sạn vẫn bày bán tràn lan công khai những mặt hàng trang sức được cho là làm từ ngà voi.
Thượng tá Lý Văn Hiền, Phó phòng PC03, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, người ta cứ nói là ngà voi nhưng để nhận biết được thì mắt thường thì qua mắt thường thì chưa thể xác định được qua công tác giám định. Để xử lý được đối tượng thì phải trưng cầu giám định xem đúng đây có phải ngà voi hay không? Khi đúng là ngà voi rồi lại phải trưng cầu định giá, ở đây là xác định giá trị tài sản và tài sản phải từ 150 triệu trở lên mới xử lý hình sự được.
Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý chương trình chống buôn bán động vật hoang dã của WWF cho hay, Việt Nam được đánh giá là địa bàn trung chuyển các loại động vật hoang dã trong đó có ngà voi và việc buôn bán ngà voi và sản phẩm ngà voi khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều đáng lo ngại là sẽ tạo ra xu hướng việc kích cầu tiêu dùng ngà voi của người Việt Nam. Vì vậy, việc chúng ta vẫn đeo trang sức bằng ngà voi mà không được coi là phạm pháp thì số phận của loài voi sẽ rất mong manh”.
Thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện bắt xử lý nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, sản xuất những sản phẩm từ ngà voi và đề nghị truy tố 3 đối tượng. Tuy nhiên tình trạng mua bán các sản phẩm, trang sức làm từ ngà voi, hoặc được cho là làm ngà voi vẫn còn tái diễn. Nếu thật thì bị pháp luật cấm. Nếu giả thì lừa dối hoặc lừa đảo khách hàng. Bởi vậy, cách tốt nhất là mọi người hãy nói không với những sản phẩm, trang sức làm từ ngà voi./.