Thứ Bảy, 04/05/2024 12:04 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024: Xây dựng lại niềm tin

BT

(ANTV) - Sự kiện quốc tế được đặc biệt quan tâm tuần qua là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, với hơn 3000 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của hàng chục quốc gia cùng các tổ chức quốc tế. Diễn ra trong bối cảnh thời đại thay đổi nhanh chóng, thế giới phân mảng ngày càng rõ rệt, hội nghị tập trung vào chủ đề "xây dựng lại niềm tin", một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải khôi phục niềm tin trên thế giới, thúc đẩy hợp tác nhằm đối mặt với những thách thức toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu và những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, từ bất ổn an ninh, căng thẳng địa chính trị, chêch lệch giàu nghèo, rủi ro công nghệ đến biến đổi khí hậu.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine sau gần 2 năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đánh dấu một trạng thái chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây. Xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza có nguy cơ lan rộng ra khu vực, trong khi căng thẳng trên Biển Đỏ đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay trước ngày khai mạc hội nghị, Tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho thấy 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản trong 3 năm qua, trong khi gần 5 tỷ người trên thế giới lại nghèo đi do lạm phát, xung đột và biến đổi khí hậu. Với tốc độ hiện tại, thế giới sẽ phải mất 230 năm mới có thể thoát nghèo.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng được dự báo chậm lại, chỉ đạt 2,9% trong năm nay, khi nhiều chính phủ còn vật lộn với nợ công tăng cao, bất ổn về kinh tế vĩ mô, hậu quả của đại dịch cùng tiến bộ công nghệ làm thay đổi ngành sản xuất và dịch vụ.

Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF cho rằng: Chúng ta đang đối mặt với một thế giới rạn nứt và sự chia rẽ xã hội ngày càng tăng, khiến sự bất ổn và bi quan lan rộng. Chúng ta phải xây dựng lại niềm tin vào tương lai bằng cách vượt ra ngoài khuôn khổ quản lý khủng hoảng hiện tại, xem xét nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề và cùng nhau xây dựng lại một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, các nhà lãnh đạo Diễn đàn kinh tế thế giới thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại niềm tin giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Và hội nghị năm nay được xem là nền tảng quan trọng để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các mối quan hệ đối tác hướng đến hành động, đem lại những kết quả tích cực và có ý nghĩa.

Với mục tiêu thúc đẩy an ninh và hợp tác, các cố vấn an ninh từ hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham gia hội nghị về hòa bình cho Ukraine bên lề Davos, nhằm hoàn thiện những nguyên tắc "vì một nền hòa bình lâu dài và công bằng tại Ukraine", góp phần tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva về chấm dứt xung đột.

Tại nhiều phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài tại Dải Gaza để giảm thiểu thương vong cho dân thường, cũng như tổ chức một hội nghị hòa bình rộng mở hơn, hướng tới xây dựng lộ trình thực hiện giải pháp 2 nhà nước giữa Israel và Palestine.

Hoàng tử Faisal Bin Farhan Al, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út cho biết: Chúng ta cần tập trung giải quyết cuộc xung đột ở Gaza bởi mức độ ảnh hưởng của nó đến không chỉ người dân Palestine mà còn là an ninh của cả khu vực, nguy cơ bất ổn có thể lan rộng... Chúng ta cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt vòng xoáy bạo lực và khủng hoảng nhân đạo."

Về kinh tế, các cuộc họp tập trung vào việc tìm ra những cách thức để chính phủ và doanh nghiệp cùng nhau tạo không gian cho nhiều việc làm mới, thúc đẩy khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Một điểm mới đáng chú ý của hội nghị năm nay là lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa ra bàn luận với tần suất dày đặc. Chủ đề “AI là động lực cho nền kinh tế và xã hội” có khoảng 30 phiên thảo luận riêng biệt, trong đó nhấn mạnh đến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, mở ra cơ hội cũng như những thách thức hóc búa cho các cơ quan quản lý.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bày tỏ: Chúng ta cần nhớ rằng AI cũng là cơ hội rất quan trọng nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm. Chúng ta nên đầu tư vào nơi mình có lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, châu Âu có nhân lực, có gần 200.000 kỹ sư phần mềm ở châu Âu có kinh nghiệm về AI, và chúng ta cũng có lợi thế rất lớn về dữ liệu công nghiệp.

Ông Satya Nadella, Tổng Giám đốc Tập đoàn Microsoft cho biết: Có những rủi ro về AI đang hiện hữu, ví dụ như deepfake có thể tác động đến quá trình dân chủ, hay như khủng bố sinh học. Những vấn đề đó cần được giải quyết theo quy định của lĩnh vực ứng dụng và phổ biến thông tin.

AI có khả năng trở thành công nghệ tự cải tiến. Nếu chúng ta mất kiểm soát để nó tự phát triển, nó thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người. Để đảm bảo những điều đó không xảy ra, cần phải có những quy định và biện pháp an toàn đối với AI." 4473277

Bên cạnh việc cân bằng giữa phát triển và quản lý công nghệ, các đại biểu cũng đề cập sự cần thiết phải trang bị kỹ năng phù hợp cho người lao động để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của AI. Đây cũng là mục tiêu của dự án mở rộng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Đức, Qatar Việt Nam và một số quốc gia khác.

Bà Julie Sweet, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Accenture cho rằng: Cho dù là Chính phủ hay doanh nghiệp thì cũng cần phải có sự giáo dục để thực sự hiểu công nghệ, để có thể đưa ra lựa chọn và học cách thực sự vận hành nó. Mối quan tâm của tôi là về con người, bởi AI sẽ là 1 công nghệ tuyệt vời nếu chúng ta có thể đưa mọi người đồng hành trên hành trình này. Và chúng ta sẽ phải đào tạo lại kỹ năng cho họ."

Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận những chiến lược dài hạn nhằm tiến gần hơn tới mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2050, trong khi vẫn có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên an toàn, hiệu quả, với giá cả hợp lý. Liên minh những người tiên phong (First Movers) chống biến đổi khí hậu bằng công nghệ môi trường tiếp tục chứng minh được sức hút khi có thêm nhiều chính phủ và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu tham gia. Diễn đàn cũng ra mắt mạng lưới huy động đầu tư gần 3.000 tỷ USD hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự hội nghị và có nhiều hoạt động đáng chú ý, trong đó nổi bật là phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu". Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là 1 trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF.Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.

Chia sẻ tại phiên đối thoại "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số lĩnh vực ưu tiên của đất nước trong thời gian tới, gồm chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh, xác định đây là vừa là yêu cầu, xu thế khách quan, vừa là lựa chọn chiến lược.

Thủ tướng Chính phủ Phạm MInh Chính cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là 2 cái cần ưu tiên. Hay nói cách khác đây là yêu cầu khách quan, là xu thế của thế giới. Đây cũng là ưu tiên của chúng tôi. Để làm được điều này, chúng tôi cần làm 3 điều, 3 đột phá chiến lược. Một là đột phá về thể chế. Hai là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng về công nghệ thông tin. Ba là không thể thiếu con người. Vì vậy phải tập trung cho đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF, Tọa đàm thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam và phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN".

Tại các sự kiện, các diễn giả đều đánh giá cao những chia sẻ sâu sắc, quan điểm và tầm nhìn định hướng chiến lược của Việt Nam, góp phần mang đến những giải pháp quan trọng ứng phó với các thách thức, khôi phục niềm tin toàn cầu.

Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vị trí chiến lược tốt và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò then chốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bằng cách tiếp tục mở cửa nền kinh tế và tham gia các hiệp định thương mại đa phương, Việt Nam có thể tận dụng năng lực công nghệ ngày càng cao của mình khi tập trung vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đóng góp vào những giải pháp toàn cầu trong các lĩnh vực này. Kinh nghiệm của Việt Nam cũng sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc, đầy giá trị về về cách các nước đang phát triển có thể xử lý hiệu quả khi đối diện với sự phức tạp từ những thách thức thương mại, công nghệ và môi trường toàn cầu trong khuôn khổ luật pháp và hợp tác quốc tế.

Những nguy cơ từ AI, những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu hay những dự báo ảm đảm về triển vọng kinh tế do bất ổn địa chính trị... Đây đều đã là những chủ đề thảo luận của nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua. Điều này cho thấy một sự kiện như Diễn đàn Kinh tế Thế giới không thể tìm ra lời giải ngay lập tức cho những vấn đề này. Tuy nhiên, những thông điệp phát đi từ Davos đã góp phần phát đi tín hiệu để lạc quan hơn về triển vọng hợp tác vì phát triển trong năm mới. Việt Nam cũng như các thành viên trong cộng đồng quốc tế mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau và niềm tin vào tương lai hợp tác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Ngư dân Hà Tĩnh liên tiếp trúng mùa mực

Ngư dân Hà Tĩnh liên tiếp trúng mùa mực

Kinh tế 04/05/2024

(ANTV) - Hơn một tháng nay, bà con ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh đã liên tiếp trúng mực đầu mùa với sản lượng khá cao, giá cả ổn định. Đây là tín hiệu vui để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, nâng cao thu nhập.

Hủ tiếu gõ - món ngon vì nhớ

Hủ tiếu gõ - món ngon vì nhớ

Văn hóa 04/05/2024

(ANTV) - Hủ tiếu gõ là món ăn đặc trưng và vô cùng bình dị của TP.HCM, bình dị và gần gũi như chính người dân nơi đây. Và những ai đã từng đến sinh sống làm việc hay tham quan tại TP.HCM nhất định sẽ thưởng thức món hủ tiếu gõ để trải nghiệm về văn hóa ẩm thực của TP.HCM.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Chính trị 04/05/2024

(ANTV) - Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 10, chiều 3/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quố+c hội dự và chỉ đạo Phiên họp. Cùng dự, có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Công an tặng nước suối cho người dân vùng hạn, mặn

Công an tặng nước suối cho người dân vùng hạn, mặn

Xã hội 04/05/2024

(ANTV) - Nhằm hỗ trợ, chia sẻ nguồn nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn, sáng ngày 3/5, Công an tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) phối hợp với Công an tỉnh An Giang thực hiện chương trình hỗ trợ nước uống cho người người dân xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Đưa nước sạch tới buôn làng

Đưa nước sạch tới buôn làng

Xã hội 04/05/2024

(ANTV) - Tây Nguyên có đặc thù là nhiều đồi núi, dân cư bố trí thưa thớt ở vùng sâu nên rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, chính quyền các địa phương đã huy động mọi nguồn lực để đưa nước sạch về cho người dân.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chính trị 04/05/2024

(ANTV) - Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được coi là một trong 20 chiến dịch quân sự lớn và quan trọng nhất trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới” cũng là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu sử học.

Xem thêm